Một trong những vấn đề thường gặp phải khi nấu nướng bằng bếp từ là bề mặt bếp dễ bị cháy, bám cặn thức ăn, gây khó khăn cho việc vệ sinh. Nguyên nhân khiến mặt bếp từ bị cháy thường do vụn thức ăn, dầu mỡ bắn ra trong quá trình nấu, hoặc do mặt kính bị nứt vỡ, hỏng hóc. Vậy cần phải làm sạch mặt bếp từ bị cháy như thế nào? Nếu mặt bếp từ bị cháy khét, bạn hãy thử sử dụng 1 trong 4 cách làm sạch tại nhà bằng giấm, nước cốt chanh, dao cạo chuyên dụng, nước lau bếp. Trong bài viết dưới đây, SAKURA Việt Nam sẽ hướng dẫn chi tiết 4 cách làm sạch mặt bếp từ bị cháy tại nhà, lưu ý trước khi làm sạch bếp từ và cách sử dụng bếp từ để không bị cháy khét bề mặt. Hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết sau!
Vệ sinh bếp từ bằng baking soda và giấm
Baking soda kết hợp với giấm sẽ trở thành một chất tẩy rửa hiệu quả. Hỗn hợp này có thể hòa tan các chất hữu cơ như dầu mỡ, bụi bẩn, vết cháy, ố,… trên bề mặt kính bếp từ mà không làm ăn mòn bếp và đảm bảo an toàn cho người dùng.
Có 4 bước vệ sinh mặt bếp từ bị cháy bằng baking soda và giấm, cụ thể như sau:
- Bước 1: Rắc một lượng nhỏ bột baking soda (khoảng 2 – 3 muỗng canh) lên bề mặt bếp, tập trung ở các vị trí bị cháy thức ăn.
- Bước 2: Cho giấm ăn vào chai nhỏ xịt đều lên bề mặt đã được phủ bột baking soda và đợi từ 30 giây đến 1 phút để hỗn hợp này sủi bọt và làm các vết cháy khét tan ra.
- Bước 3: Chờ đến khi bọt tan hết nghĩa là phản ứng hóa học đã hết, bạn hãy dùng khăn mềm có xịt giấm ăn lau nhiều lần lên bề mặt bếp từ.
- Bước 4: Sau đó, hãy dùng 1 chiếc khăn sạch khô để lau lại một lần nữa, bề mặt bếp từ sẽ trở nên sáng bóng như mới.
Lưu ý phương pháp này chỉ hiệu quả với các vết cháy không quá nghiêm trọng. Với các mảng cháy nặng hơn, bạn có thể lặp lại các bước 1 và 2, sau đó chờ trong khoảng 10 phút để vết cháy tan ra và lau lại bằng khăn mềm.
Vệ sinh bếp từ bằng nước cốt chanh
Trong nước cốt chanh có chứa axit citric có khả năng tẩy rửa và kháng khuẩn hiệu quả. Sử dụng nước cốt chanh là một phương pháp đơn giản để xử lý nhanh những vết cháy trên bếp từ.
Bạn chỉ cần thực hiện 3 bước như sau:
- Bước 1: Bạn dùng nước cốt của 1-2 quả chanh pha loãng với nước sạch theo tỉ lệ 1:1.
- Bước 2: Dùng khăn sạch thấm vào dung dịch nước chanh, sau đó lau toàn bộ mặt bếp, chú ý lau thật kỹ những vùng bị cháy nặng.
- Bước 3: Cuối cùng, bạn xịt một chút nước sạch lên bếp rồi dùng một chiếc khăn sạch lau lại đến khi bếp từ không còn vết cháy.
Dùng dao vệ sinh bếp từ chuyên dụng
Dùng dao vệ sinh chuyên dụng với những vết cháy khét đóng thành nhiều mảng, lan rộng trên bề mặt bếp mà không làm xước, nứt mặt kính của bếp từ. Bạn có thể dễ dàng mua các loại dao chuyên dụng ở các cửa hàng, siêu thị chuyên bán thiết bị nhà bếp, đồ gia dụng,…
Dùng dao vệ sinh bếp từ chuyên dụng chỉ với 2 bước như sau:
- Bước 1: Nghiêng lưỡi dao vệ sinh bếp từ chuyên dụng ở một góc 30 – 40 độ so với mặt bếp rồi nhẹ nhàng cạo đi các lớp cháy trên mặt bếp. Không tác động lực mạnh lên bếp để tránh làm mặt kính của bếp bị hư hỏng hoặc trầy xước.
- Bước 2: Sau đó, dùng khăn mềm lau sạch lại toàn bộ bề mặt bếp.
Sử dụng nước lau bếp
Ngoài các mẹo trên, bạn có thể sử dụng các loại nước lau bếp chuyên dụng được bán ở các siêu thị,các cửa hàng để làm sạch các vết cháy trên bề mặt bếp từ Có 3 bước vệ sinh mặt bếp từ bị cháy như sau:
- Bước 1: Bạn cần chuẩn bị một chai nước lau bếp chuyên dụng và một chiếc khăn sạch khô.
- Bước 2: Xịt một lượng nước lau bếp vừa phải lên toàn bộ bề mặt bếp và các vết cháy, chờ đến khi dung dịch phát huy tác dụng và làm mềm các vết cháy cứng đầu, khiến chúng dần bong ra khỏi mặt bếp từ.
- Bước 3: Cuối cùng, dùng khăn khô lau nhẹ toàn bộ mặt bếp. Bạn cũng có thể xịt thêm nước lau bếp và lau lại lần nữa để bếp được sáng bóng và giảm mùi khó chịu.
Lưu ý trước khi làm sạch bếp từ bị cháy
Có 4 điều mà bạn cần lưu ý trước khi làm sạch mặt bếp từ bị cháy để đảm bảo an toàn và giúp bếp luôn bền đẹp, đó là:
- Không vệ sinh mặt bếp ngay sau khi nấu: Bạn nên để bề mặt bếp nguội hoàn toàn trước khi bắt đầu vệ sinh bếp để tránh nguy cơ bị bỏng hoặc làm bếp bị hư hỏng, gây ra chập cháy nguy hiểm.
- Sử dụng các sản phẩm, dụng cụ vệ sinh phù hợp: Khi vệ sinh bề mặt bếp từ, bạn nên đảm bảo không sử dụng các chất tẩy mạnh hoặc vật liệu cứng. Điều này hạn chế tình trạng bề mặt bếp bị nứt, xước, bị bào mòn, vừa khiến bếp nhanh hỏng vừa giảm tính thẩm mỹ của bếp từ.
- Luôn lau mặt kính bếp từ bằng khăn mềm: Sau khi vệ sinh bếp, hãy sử dụng khăn mềm ẩm để lau sạch các mảng bám còn sót lại trên bề mặt bếp. Tuyệt đối không dùng bàn chải có lông cứng hay miếng chà nồi bằng sắt, đồng thời không dội nước trực tiếp lên bề mặt bếp từ trong quá trình vệ sinh để không làm hỏng bếp.
- Vệ sinh kỹ càng các vết cháy khét trên mặt bếp: Cần xử lý kỹ các vết cháy khét trên mặt bếp từ để bếp nhận diện nồi chảo nhạy và gia nhiệt ổn định mỗi khi nấu. Với các vết cháy cứng đầu, có thể lặp lại các bước vệ sinh mặt bếp hoặc kết hợp nhiều cách khác nhau để tăng hiệu quả làm sạch bề mặt bếp.
Cách sử dụng bếp từ tránh cháy mặt bếp
Bạn có thể tham khảo 5 lời khuyên dưới đây của SAKURA Việt Nam, để sử dụng bếp từ đúng cách, giúp mặt bếp không bị cháy khét
- Sử dụng xoong nồi tương thích với bếp: Nồi, chảo dùng cho bếp từ cần có đáy nhiễm từ với độ dày nhất định, bằng phẳng và có kích thước phù hợp với vùng nấu của bếp.
- Luôn điều chỉnh vị trí nồi chảo vừa với vùng nấu: Trong quá trình nấu, cần đảm bảo đáy của nồi chảo luôn được đặt vào chính giữa vùng nấu, giúp hạn chế tình trạng nồi chảo bị nghiêng và thức ăn bên trong trào ra ngoài.
- Đảm bảo vùng nấu luôn sạch sẽ: Vùng nấu của bếp luôn cần vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên loại bỏ các chất bẩn và dầu mỡ văng ra trong quá trình nấu nướng. Điều này không chỉ hạn chế mặt bếp bị cháy khét mà còn giúp bếp dễ nhận diện đáy nồi và truyền nhiệt ổn định hơn.
- Thường xuyên kiểm tra bề mặt bếp: Trước, trong và sau khi sử dụng bếp từ, bạn nên thường xuyên quan sát, kiểm tra bề mặt bếp có bám bẩn hay bị nứt vỡ hay không để kịp thời xử lý.
- Tắt nguồn bếp khi không còn nhu cầu sử dụng: Sau khi nấu xong, bạn nên tắt nguồn bếp để hạn chế tình trạng bếp tiếp tục gia nhiệt khiến mặt kính bị cháy. Tuy nhiên không được rút phích cắm ngay vì bộ phận tản nhiệt của bếp vẫn cần tiếp tục hoạt động, giúp mặt kính nhanh nguội để tiện cho việc vệ sinh bếp sau khi dùng.
Câu hỏi thường gặp về cách làm sạch mặt bếp từ bị cháy
Xử lý thế nào khi mặt bếp từ bị ố vàng?
Bạn có thể áp dụng 1 trong 4 cách mà SAKURA Việt Nam đã gợi ý dùng baking soda với giấm, dùng nước cốt chanh, dao cạo hoặc nước lau bếp chuyên dụng để xử lý các vết ố này, giúp bếp luôn sáng bóng và hoạt động tốt. Bạn nên vệ sinh định kỳ bề mặt để ngăn các vết ố vàng xuất hiện. Các vết ố này nếu để lâu sẽ dần hình thành các vết cháy khét, gây ảnh hưởng tới hoạt động và thẩm mỹ của bếp.
Có nên sử dụng hóa chất tẩy rửa mạnh để làm sạch mặt bếp từ bị cháy không?
Không nên sử dụng các loại hóa chất tẩy rửa mạnh để làm sạch mặt bếp từ bị cháy. Vì các chất này có thể ăn mòn mặt kính và các chi tiết khác của bếp và có thể làm hỏng bếp. Thay vào đó, bạn hãy ưu tiên sử dụng các chất tẩy rửa chuyên dụng hoặc các hỗn hợp tẩy rửa từ nguyên liệu thiên nhiên để vệ sinh bề mặt bếp. Với các vết cháy khó xử lý, có thể pha loãng chất tẩy rửa theo liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất để vệ sinh bếp nhưng không nên lạm dụng.
Thông qua bài viết trên, SAKURA Việt Nam đã hướng dẫn 4 cách làm sạch mặt bếp từ bị cháy hiệu quả, nhanh chóng từ đó khơi gợi cảm hứng nấu những món ăn ngon cho gia đình thân yêu của mình. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan tới cách làm sạch mặt bếp từ bị cháy hay cần tư vấn các sản phẩm về bếp từ, bạn hoàn toàn có thể liên hệ ngay cho SAKURA Việt Nam để được giải đáp và tư vấn kịp thời nhé!
Thông tin liên hệ SAKURA Việt Nam:
- Địa chỉ: Số 30 Trà Khúc, Phường 2, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh
- Điện thoại: (84-28) 3848 7258
- Email: sakurasupport@sakura-vn.vn
- Website: https://www.sakura-vn.vn/