Bếp từ vào điện nhưng không bật được là do 8 nguyên nhân phổ biến như:
- Bếp từ bị ướt hoặc bám bụi
- Bảng điều khiển bị đồ vật đè lên
- Bảng điều khiển bị lỗi
- Điện áp không ổn định
- Vẫn bật chế độ Khóa trẻ em
- Tay bị ướt
- Sử dụng không đúng cách
- Bếp bị hỏng
Trong bài viết dưới đây, SAKURA Việt Nam sẽ lý giải những nguyên nhân gây ra tình trạng bếp từ vào điện nhưng không bật được và cách khắc phục, đồng thời tư vấn cho bạn các cách để kéo dài tuổi thọ của bếp từ cũng như cách khắc phục một số mã lỗi thường gặp trong quá trình dùng bếp. Mời bạn tham khảo ngay!
Nguyên nhân bếp từ vào điện nhưng không bật được và cách khắc phục
Nếu phát hiện bếp từ nhà mình vào điện nhưng không thể bật, bạn có thể tham khảo 8 nguyên nhân phổ biến dưới đây và cách khắc phục như sau:
Bếp từ bị ướt hoặc bám bụi
- Nguyên nhân: Bảng điều khiển bị dính nước, dầu mỡ hoặc bụi bẩn văng ra trong quá trình nấu nướng, khiến các nút cảm ứng mất khả năng nhận diện thao tác của người dùng.
- Cách khắc phục: Bạn nên lau khô mặt bếp bằng khăn mềm và dung dịch tẩy rửa chuyên dụng. Tránh sử dụng khăn ướt để lau vì có thể dẫn đến chập cháy, hư bảng điều khiển bếp.
Bảng điều khiển bị đồ vật đè lên
- Nguyên nhân: Khi có đồ vật nặng hoặc quá nhiều đồ đè lên bảng điều khiển, các chi tiết cảm ứng bị vô hiệu hóa tạm thời.
- Cách khắc phục: Quan sát trên bề mặt bếp từ có đồ vật nào đang xếp đè lên bảng điều khiển hay không. Nếu có, hãy nhấc đồ vật xuống và thử nhấn nút nguồn để tắt/bật lại bếp. Nếu bếp vẫn không hoạt động, hãy rút dây nguồn và cắm lại sau khoảng 10 phút rồi kiểm tra xem bếp đã hoạt động ổn định hay chưa.
Bảng điều khiển bị lỗi
- Nguyên nhân: Bảng điều khiển có thể gặp lỗi đến từ yếu tố bên trong như chập mạch, cháy linh kiện,… hoặc yếu tố bên ngoài như bị nứt vỡ, bị ngấm nước,… khiến bếp không nhận được tín hiệu từ người dùng.
- Cách khắc phục: Kiểm tra xem bảng điều khiển có dấu hiệu hư hỏng như nứt vỡ, cháy nổ hay không. Bạn nên liên hệ đến trung tâm bảo hành hoặc các cửa hàng sửa chữa bếp từ chuyên nghiệp để được hỗ trợ kiểm tra và sửa chữa.
Điện áp không ổn định
- Nguyên nhân: Bếp từ hoạt động dựa trên nguyên lý chuyển hóa điện năng thành nhiệt năng. Điện áp không ổn định, quá tải sẽ khiến bếp hoạt động chập chờn hoặc không thể hoạt động. Đặc biệt trong những khung giờ cao điểm, lượng tiêu thụ điện tăng vọt đến ngưỡng quá tải khiến dòng điện lúc mạnh lúc yếu, bếp từ còn có nguy cơ xảy ra chập cháy rất nguy hiểm.
- Cách khắc phục: Đảm bảo nguồn điện luôn trong trạng thái ổn định mỗi khi cắm bếp để sử dụng. Hạn chế sử dụng nhiều thiết bị điện trong nhà cùng lúc khi nấu ăn, đặc biệt trong khung giờ cao điểm. Gọi kỹ thuật viên đến kiểm tra và xử lý nếu điện áp trong nhà có vấn đề.
Vẫn bật chế độ Khóa trẻ em
- Nguyên nhân: Nhiều loại bếp từ được trang bị thêm tính năng Khóa trẻ em (Child Lock) nhằm vô hiệu hóa bảng điều khiển để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ trong nhà. Nếu vô tình quên không tắt tính năng này, bếp vẫn sẽ bị khoá liên tục và bạn không thể điều chỉnh các mức nhiệt hay chế độ nấu của bếp từ.
- Cách khắc phục: Kiểm tra xem chức năng khóa trẻ em có đang bật hay không. Nếu chức năng Child Lock đang bật, bạn chỉ cần nhấn giữ phím khóa này trên bếp một lúc khoảng từ 3-5 giây là chức năng này sẽ tắt. Nếu bếp nhà bạn không có biểu tượng này, hãy nhấn giữ nút L hoặc P trong vài giây để tắt chế độ khoá trẻ em.
Xem thêm: Cách mở bếp từ khi bị khoá
Tay bị ướt
- Nguyên nhân: Khi tay ướt, dính dầu mỡ hoặc vụn thức ăn, các bộ phận cảm ứng trên bếp sẽ khó nhận diện được ngón tay của bạn, khiến bếp không thể hoạt động. Các chị em khi nấu nướng cũng thường tiện tay sơ chế thực phẩm và lau dọn bếp, vô tình làm tay ướt, khiến bếp không hoạt động theo ý muốn.
- Cách khắc phục: Tránh thao tác trên bếp khi tay đang dính nước, dầu mỡ hoặc vụn thức ăn mỗi khi muốn sử dụng bếp. Điều này cũng hạn chế phần nào nguy cơ bị điện giật nếu không may có điện rò rỉ trong quá trình dùng bếp.
Sử dụng không đúng cách
- Nguyên nhân: Mỗi loại bếp đến từ các hãng khác nhau hay bếp cùng hãng nhưng khác nhau về model, năm sản xuất cũng sẽ có nhiều điểm khác biệt khi sử dụng. Việc không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng bếp dẫn tới việc dùng sai cách, có thể khiến bếp không hoạt động.
- Cách khắc phục: Đọc thật kỹ giấy hướng dẫn sử dụng bếp và tập thao tác theo giấy để làm quen với cách dùng bếp. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể hỏi nhân viên tư vấn, người bán hàng về cách sử dụng bếp để được hướng dẫn kỹ càng.
Bếp bị hỏng
- Nguyên nhân: Bếp bị hỏng có thể do các yếu tố bên trong như chập, cháy mạch dẫn, các chi tiết bị mòn vẹt sau thời gian dài sử dụng,… hoặc yếu tố bên ngoài như mặt kính nứt vỡ do va chạm mạnh, dây điện bị chuột cắn,…
- Cách khắc phục: Thường xuyên kiểm tra tình trạng của bếp trong quá trình sử dụng. Liên hệ với dịch vụ sửa chữa bếp từ chuyên nghiệp nếu bếp có dấu hiệu hư hỏng.
Lưu ý để dùng bếp từ lâu hỏng
Để bếp từ luôn mới và hoạt động bền bỉ, SAKURA xin gợi ý cho bạn 7 lời khuyên như sau:
- Đọc thật kỹ tờ hướng dẫn sử dụng để có thể dùng bếp đúng cách nhất. Thử bếp trước khi sử dụng để chắc chắn rằng bếp mới hoạt động ổn định, không có lỗi vặt.
- Trong quá trình nấu, cần điều chỉnh mức nhiệt phù hợp với nhu cầu nấu nướng từng loại thức ăn. Không nên chỉnh mức nhiệt quá cao để tránh làm bếp quá nóng, vừa gây tốn điện vừa rút ngắn tuổi thọ bếp.
- Nên chọn loại nồi có đáy nhiễm từ tương thích với bếp. Đáy nồi cần bằng phẳng, có độ dày vừa phải và có diện tích phù hợp với vùng nấu của bếp từ, giúp nhiệt phân tán đều để thức ăn nhanh chín hơn.
- Không để bếp hoạt động nếu không có nồi trên bếp, đảm bảo bếp đã tắt khi không còn nhu cầu sử dụng.
- Cần thường xuyên lau chùi, vệ sinh bếp hàng ngày trước và sau khi dùng để đảm bảo bề mặt bếp từ không dính cặn bẩn, bụi bặm, dầu mỡ, giúp bếp sạch đẹp và hoạt động trơn tru hơn.
- Trong trường hợp nhà có trẻ nhỏ, nên bật chế độ Khóa trẻ em (Child Lock) để đảm bảo an toàn cho bé và duy trì độ ổn định cho bếp từ.
- Không làm rơi đồ hay đặt các đồ vật nặng lên mặt kính bếp từ để tránh làm nứt vỡ, ảnh hưởng tới hoạt động của bếp.
Xem thêm: Hướng dẫn sử dụng bếp từ cơ bản cho người mới
Các mã lỗi trong quá trình sử dụng bếp từ
Trong quá trình sử dụng bếp từ, bạn cũng nên lưu ý những mã lỗi phổ biến sau để biết cách tự xử lý:
- Màn hình LED hiện ký hiệu E3, E4: Đây là mã lỗi liên quan tới điện áp, với mã E3 là nguồn điện cung cấp cho bếp từ đang quá thấp (dưới 170V) và mã E4 là điện áp đang quá cao (trên 200V). Khi lỗi E3, E4 xuất hiện, bạn cần kiểm tra độ ổn định của điện áp trong nhà và rút phích cắm bếp ra để đảm bảo an toàn.
- Màn hình LED hiện ký hiệu E5, E6: Mã lỗi E5 ám chỉ trở cảm biến đang bị quá nhiệt, nhiệt độ bếp quá cao và bếp cần được tạm nghỉ trong 15 – 20 phút để tản bớt nhiệt. Trong khí đó, mã E6 lại có nghĩa là bộ cảm biến nhiệt của bếp có vấn đề, bếp bị ngắt giữa chừng. Với mã lỗi E6 bạn nên đem bếp đến thợ sửa chữa chuyên nghiệp để được kiểm tra và tư vấn cụ thể.
- Màn hình LED hiện ký hiệu E7, E8: Bộ phận cảm biến độ bên của bếp từ bị hở mạch hoặc ngắn mạch, hoạt động không bình thường. Trường hợp này bạn không nên tự ý tháo lắp bếp mà nên liên hệ với thợ sửa có tay nghề cao để được kiểm tra kỹ lưỡng và hỗ trợ sửa chữa.
- Màn hình LED hiện ký hiệu EF: Khi màn hình LCD của bếp từ hiện lên mã lỗi EF có nghĩa hiện tại bề mặt của bếp đang bị ướt, bếp không thể truyền nhiệt làm nóng nồi để nấu thức ăn. Bạn nên tạm dừng việc nấu nướng, dùng khăn thấm khô và lau sạch chất lỏng trên vùng nấu.
Bếp từ kêu tiếng lạ khi cắm điện nhưng chưa bật, có vấn đề gì không?
4 nguyên nhân khiến bếp phát tiếng kêu lạ, dù bếp từ vào điện nhưng không bật được có thể kể đến như:
- Quạt gió bị kẹt hoặc bám bẩn: Quạt gió của bếp từ nếu không được vệ sinh sẽ bám bụi bẩn, vụn thức ăn,… làm cản trở cánh quạt quay, gây ra tiếng kêu lạo xạo trong bếp. Bạn nên vệ sinh định kỳ hoặc thay thế quạt gió nếu cần thiết.
- Mâm nhiệt bị nứt hoặc vỡ: Mâm nhiệt bếp sử dụng lâu có thể bị han gỉ, đứt dây, nứt vỡ và tạo ra tiếng kêu khi nóng lên. Có thể thay thế mâm nhiệt nếu cần thiết để bếp hoạt động êm và đảm bảo an toàn.
- Cảm biến nhiệt bị lỗi: Cảm biến nhiệt bếp từ có thể bị lỗi nếu bạn thường xuyên nấu ăn ở nhiệt độ quá cao trong thời gian dài, khiến bếp hoạt động không ổn định và tạo ra tiếng ồn. Nếu màn hình điện tử hiển thị mã lỗi E1, E2, E4, E5, E6, bạn nên thay thế cảm biến nhiệt vì nó đã bị hư.
- Một số linh kiện bên trong bếp từ bị lỏng hoặc hư hỏng: Điều này thường xảy ra do va đập, khiến bếp phát ra tiếng ồn khi hoạt động. Bạn nên liên hệ với trung tâm bảo hành hoặc thợ sửa chữa chuyên nghiệp để kiểm tra và khắc phục.
Bếp từ thường yêu cầu điện áp như thế nào để hoạt động bình thường?
Hầu hết các loại bếp từ đến từ các hãng châu Âu hoặc Việt Nam thường dùng nguồn điện 220V, tương thích với dòng điện xoay chiều 1 pha với điện áp 220V, tần số 50Hz ở nước ta.
Trong khi đó, bếp từ có xuất xứ Nhật Bản, Đài Loan,.. lại sử dụng phổ biến mức điện áp từ 100V – 120V. Các gia đình muốn sử dụng sản phẩm bếp từ của những quốc gia này cần phải sắm thêm máy biến áp để hạ điện áp từ 220V xuống mức 100V – 120V, giúp bếp hoạt động ổn định và bền bỉ.
Trên đây là toàn bộ những thông tin về nguyên nhân cũng như cách khắc phục tình trạng bếp từ vào điện nhưng không bật mà SAKURA Việt Nam muốn gửi đến quý bạn đọc. Nếu bạn có bất cứ thắc mắc gì liên quan tới các sản phẩm bếp từ và đồ gia dụng, đừng ngại liên hệ với SAKURA Việt Nam để được giải đáp và tư vấn nhé!
Thông tin liên hệ SAKURA Việt Nam:
- Địa chỉ: Số 30 Trà Khúc, Phường 2, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh
- Điện thoại: (84-28) 3848 7258
- Email: sakurasupport@sakura-vn.vn
- Website: https://www.sakura-vn.vn/